Thăm dò ý kiến
Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa là bệnh ngoài da, hầu như không gây ảnh hưởng đến các yếu tố toàn trạng của cơ thể.
Cần hiểu rõ mức độ nguy hiểm của Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh ngoài da, hầu như không gây ảnh hưởng đến các yếu tố toàn trạng của cơ thể. Vì vậy viêm da cơ địa được coi là bệnh lý da liễu lành tính, không có tính nguy hiểm. Nhưng viêm da cơ địa là bệnh mạn tính, có những đợt cấp. Mỗi đợt bệnh tái phát sẽ khiến bệnh nhân ngứa rát, mẩn đỏ khắp người, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Ngoài ra trong mỗi đợt cấp, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, thì tại vị trí tổn thương có thể bị nhiễm trùng và gây ra những biến chứng như:
Bội nhiễm da: Viêm da kéo dài, hay tái phát sẽ gây ngứa và gãi nhiều. Khi đó sẽ tạo ra các vết xước, vết thương hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn trong môi trường bên ngoài xâm nhập. Tại vị trí tổn thương sẽ chảy dịch tiết, trợt loét, mưng mủ... có thể kèm theo sốt hoặc sưng hạch. Khi bị bội nhiễm da vùng tổn thương sẽ lâu lành, và khi khỏi có thể để lại những vùng thâm sẹo khó điều trị.
Nhiễm khuẩn huyết: Khi bị bội nhiễm da nếu không được điều trị đúng cách, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết. Đây là một biến chứng toàn thân nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Viêm da thần kinh: Có thể dẫn đến các triệu chứng như đau cơ, đau đầu nếu vùng da tổn thương ở gần đầu mút thần kinh
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Người bệnh có xu hướng hay gãi liên tục nên sẽ gây ra các vết xây xát ở vùng da tổn thương. Ban đầu là những mảng đỏ, vết thương hở, chảy dịch, lâu dần chuyển chuyển thành những mảng da dày, sần, thâm. Vùng tổn thương ở vị trí hở như da mặt, cổ, cổ tay… sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen…
Ngoài những biến chứng do viêm da cơ địa mang lại, người bệnh còn đối mặt với nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị. Ở đây cụ thể là tác dụng phụ của corticoid trong điều trị tại chỗ và toàn thân. Khi lạm dụng thuốc quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ bội nhiễm do giảm sức đề kháng của vùng da, làm vùng da bị bào mòn. Sử dụng toàn thân lâu dài sẽ gây ức chế miễn dịch, có thể gây nghiện thuốc.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Viêm da cơ địa đa số gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và bệnh sẽ lui hoặc tự khỏi khi đến độ tuổi trưởng thành. Tuy vậy nhưng đa số những trường hợp nặng và có biến chứng lại hay gặp ở người lớn. Do vậy, khi thấy bản thân hoặc trẻ nhà bạn bị bệnh kèm thêm những triệu chứng sau, thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám:
Vùng da tổn thương lan rộng, xuất hiện dịch tiết, vảy tiết vàng, số lượng nhiều.Vùng da xung quanh sưng đỏ.
Có biểu hiện sốt, nhiễm trùng nhiễm độc, mệt mỏi
Triệu chứng của bệnh tái phát liên tục, dai dẳng, đã được dùng thuốc điều trị nhưng không đỡ.
Tình trạng bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: ngủ không ngon giấc, ăn không ngon, ngứa liên tục, ảnh hưởng đến sự tập trung trong công việc.
Dự phòng bệnh viêm da cơ địa như thế nào?
Viêm da cơ địa là bệnh lý về da mà cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cách điều trị tận gốc, nên cách tốt nhất là dự phòng bệnh, tránh các yếu tố làm nặng bệnh. Cần kiểm soát các kháng nguyên, các yếu tố có nguy cơ gây dị ứng xung quanh môi trường sống. Ví dụ như loại bỏ đồ đạc bọc đệm, đồ chơi mềm, hạn chế tiếp xúc với vật nuôi trong nhà. Sử dụng máy lọc không khí,máy tạo độ ẩm…
Ngoài ra cũng cần có chế độ ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm vitamin, chất khoáng có tác dụng làm đẹp da
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhóm C sẽ giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, tăng sinh collagen, đẩy lùi tế bào sắc tố melanin, giảm thâm da. Các thực phẩm giàu vitamin C như cam, cà chua, cà rốt…
Vitamin nhóm B có tác dụng chống lão hóa, giảm và bong tróc da. Thực phẩm giàu vitamin B như nấm, hạt mè, đậu xanh, yến mạch…
Vitamin nhóm E có tác dụng chống oxy hóa và dưỡng ẩm cho da, tăng phục hồi vùng da bị tổn thương. Các thực phẩm như bơ, dầu ô liu, mật ong, cá hồi… có lượng vitamin E dồi dào.
Cũng đừng quên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể. Nước sẽ giúp giữ ẩm cho da, tránh tình trạng da thô ráp, nứt nẻ.
Trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cũng không nên tắm nước quá nóng hay quá lạnh. Vì nhiệt độ của nước tắm cũng ảnh hưởng đến da, khiến da khô, mất nước và kích ứng tới vùng da tổn thương.
Tránh xa các loại hóa chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa chén, bột giặt… các sản phẩm trong sóc da có hương liệu hay chất tạo màu, các loại mỹ phẩm kém chất lượng. Vì trong đó chứa những thành phần kích ứng mạnh với da nhạy cảm
Hạn chế gãi nhiều, vì gãi nhiều sẽ làm tổn thương da, khiến da dễ nhiễm trùng. Thay vào đó hãy xoa, hoặc chườm đá vào vùng da đang ngứa, sẽ giúp làm dịu đi cảm giác khó chịu.
Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h